Tứ Động Tâm là tên gọi chung của 4 địa danh Lumbini – Bodhgaya – Sarnath – Kushinagar, đánh dấu 4 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật. Bên cạnh Tứ Động Tâm là những địa điểm được lựa chọn hành hương nhiều nhất, còn có thành Xá Vệ (Sravasti), thành Vương Xá (Rajgir), và thành Tỳ Xá Ly (Vaishali).
- Lumbini (Lâm Tỳ Ni) – nơi Đức Phật đản sinh
Vườn Ngự Uyển Lâm Tỳ Ni nằm ở vùng đồng bằng Terai của miền Nam Nepal, tiếp giáp biên giới và chỉ cách Ấn Độ khoảng 30km.
Lâm Tỳ Ni (Lumbini) được biết đến là nơi hoàng hậu Maya (Maya Devi) đã sinh ra thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama), người sau này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tương truyền rằng hoàng hậu Maya, vợ của đức vua Tịnh Phạn trị vì vương quốc dòng tộc Thích Ca (Sakya), nằm mộng thấy con voi trắng sáu ngà theo luồng ánh sáng bay đến nhập vào thân thể, khiến bà thụ thai. Gần đến ngày sinh, hoàng hậu xin phép đức vua cho mình về quê mẹ ở Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Khi đến vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni, bà cho đoàn người dừng lại nghỉ ngơi, rồi đi dạo quanh vườn. Hoàng hậu thấy một đóa hoa vô ưu màu trắng nở trên thân cổ thụ. Bà giơ tay định hái, nhưng ngay lúc đó, bà chuyển dạ và hạ sinh hoàng tử Tất Đạt Đa (Siddhartha). Lúc mới chào đời, hoàng tử đã đi bảy bước, mỗi bước nở ra một đóa sen nâng đỡ chân ngài. Tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất, hoàng tử nói:
“Thiên thượng địa hạ.
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết chúng sinh.
Giai hữu Phật tính”
(Dịch nghĩa: “Trên trời dưới đất. Chỉ có ta là duy nhất. Hết thảy chúng sinh. Đều có Phật tính”).
Hiện nay, khu di tích này đã được xây kín để chống xói mòn và hư hại. Bên trong khu di tích bao gồm Hồ Puskarini là nơi hoàng hậu Maya đã làm lễ tẩy trần trước khi hạ sanh thái tử, Đền Mayadevi là nơi có phiến đá in hình dấu chân Phật, đánh dấu chính xác vị trí Thái tử đản sinh, Trụ đá vua Asoka (A Dục) với dòng chữ xác nhận điểm đến linh thiêng – Lumbini.
Vườn Lâm Tỳ Ni đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
- BodhGaya (Bồ Đề Đạo Tràng): nơi Đức Phật thành đạo
Bồ Đề Đạo Tràng – Ấn Độ (Bodh Gaya hay Bodhgaya) thuộc tỉnh Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được gọi là đất Phật, vì ở đây là nơi đức Phật Thích Ca đã giác ngộ hơn 2.500 năm trước, là điểm hành hương mà các phật tử khắp nơi trên thế giới luôn mong muốn được đến chiêm bái.
Tâm điểm ở Bodh Gaya là Mahabodhi Temple (hay còn gọi là tháp Đại Giác). Đền cao 52m, bốn mặt được chạm trổ rất tinh vi. Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, vua Asoka (A dục) đã cho xây một đền thờ Đức Phật tại đây. Đến thế kỷ thứ 7, các quốc vương triều đại Pala ở xứ Bengal xây lại với quy mô lớn hơn. Vào thế kỷ 12, ngôi đền bị phá hủy. Đến thế kỷ thứ 14, các quốc vương Myanmar (Miến Điện) khi kéo quân vào đây đã khôi phục lại ngôi đền. Sau nhiều thế kỷ, đền Mahabodhi hứng chịu nhiều trận lụt lớn và bị chôn vùi dưới lớp bùn đất. Mãi đến giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học người Anh là Alexander Cunningham đứng ra chỉ đạo khai quật và trùng tu lại đền Mahabodhi như hiện nay.
Phía sau đền Mahabodhi, có cây bồ đề linh thiêng nằm bên cạnh, cành lá rất xanh tươi được bao bọc bởi một vòng tường thấp bằng đá. Dưới bóng mát cây bồ đề là một phiến đá sa thạch đỏ, có tên là “Vajrasana” – đây được xem là ngai vàng kim cương vì đây là nơi Đức Phật đã từng ngồi thiền và đắc đạo.
Thành phố Bodh Gaya ngày nay thường được ví là một “Liên Hợp Quốc Phật tự” vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… Ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Huyền Diệu xây dựng được khá nhiều Phật tử trong và ngoài nước biết đến.
Cách Bodh Gaya khoảng 200m về hướng Đông là một con sông cạn chạy dài dọc theo hướng Đông Bắc – Tây Nam được người dân địa phương gọi là sông Lilajan, tức là sông Ni Liên Thiền (Niranjana). Chính phủ Ấn Độ đã bắc một cây cầu ngang sông này. Các Nhà sư, Phật tử và du khách rất dễ dàng qua lại các khu Phật tích quanh vùng Bodh Gaya. Từ trên cầu có thể nhìn thấy được một số Phật tích như: chót đền Mahabodhi, núi Tượng đầu – nơi Đức Phật từng tu khổ hạnh trong 6 năm… và bao quát khu cư dân quanh vùng.
- Sarnath (Lộc Uyển hay Vườn Nai): nơi Đức Phật chuyển pháp luân
Sarnath (Lộc Uyển) còn được biết đến với tên gọi Vườn nai, được xem là thánh địa của Phật giáo và là một trong những điểm hành hương không thể thiếu khi đến thành phố Varanasi (Ba La Nại).
Vườn Lộc Uyển tọa lạc ở khoảng 13km về phía Đông Bắc của thành Ba La Nại (Varanasi), nằm giữa sông Hằng và sông Perona, miền Đông Bắc Ấn Độ. Năm tuần sau khi giác ngộ, Đức Phật đi từ Bồ Đề Đạo Tràng, vượt hơn 120km để đến Vườn Lộc Uyển. Đến đây Ngài đã thuyết giảng bài kinh “Tứ Diệu Đế” cho năm vị tu sĩ khổ hạnh – năm anh em Kiều Trần Như – trong lần thuyết pháp đầu tiên. Và đây cũng là nơi Tăng Già Phật Giáo ra đời với sự giác ngộ của Kondanna (Kiều Trần Như) vị đệ tử cao niên nhất trong năm vị. Vườn Lộc Uyển được xem là trung tâm Phật giáo lớn nhất tồn tại hơn 1.500 năm sau ngày Phật nhập diệt, là nơi đức Phật trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên và cũng là chiếc nôi hình thành Tam bảo giữa thế gian.
Hầu hết những tòa nhà cổ và những công trình kiến trúc tại Vườn Lộc Uyển bị hư hại hoặc bị tàn phá trong quá khứ. Ngày nay, khi đến Vươn Nai, chúng ta sẽ thấy một số kiến trúc tiêu biểu:
– Tháp Dhamekh uy nghi với chiều cao 128 feet và rộng 93 feet
– Tháp Dharmarajika là một trong số ít những ngôi tháp dựng lên bởi vua Ashoka, mặc dù chỉ còn nền móng. Phần còn lại của tháp Dharmarajika đã được di chuyển tới Varanasi để sử dụng làm vật liệu xây dựng trong thế kỷ thứ 18. Khi đó, ngọc xá lợi được tìm thấy trong tháp Dharmarajika. Những xá lợi đã được rải xuống sông Hằng.
– Tháp Chaukhandi là nơi Đức Phật gặp gỡ các đệ tử của mình lần đầu. Trong những năm gần đây, tháp Chaukhandi đang được tu sửa.
– Tàn tích của tịnh xá Mulagandhakuti đánh dấu nơi Đức Phật an cư trong mùa mưa.
– Tịnh xá Mulagandhakuti hiện nay là một tu viện được xây vào năm 1930 của Sri Lanka Mahabodhi Society.
– Trụ đá do vua A Dục (Asoka) dựng lên tại Sarnath đã bị tàn phá trong quá trình xâm chiếm của người Hồi, phần gốc của cột trụ vẫn còn được giữ ở vị trí ban đầu, phần đầu trụ bị vỡ với đặc trưng “Đầu con sư tử của vua A Dục” được trưng bày tại viện bảo tàng Sarnath ngay bên cạnh.
– Bảo tàng Sarnath nổi tiếng với trụ đá Asoka với biểu tượng đầu sư tử vẫn còn tồn tại với chiều cao 45 feet. Bảo tàng cũng nổi tiếng với tôn tượng Đức Phật Chuyển Pháp (Dharmacakra-posture.)
– Ngoài ra còn có một cây Bồ Đề được chiết nhánh từ cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng.
- Kushinagar (Câu Thi Na): nơi Đức Phật nhập diệt
Kushinagar là nơi mà Đức Thế Tôn đã chọn cho việc nhập diệt, hay xả bỏ xác thân cuối cùng của Ngài. Vào thời Đức Phật tại thế, Câu Thi Na là kinh đô của nước Mala. Hiện giờ, Câu Thi Na là một ngôi làng thuộc Kushinagar gần biên giới với Nepal, cách 51 kms từ thị xã Gorakhpur ở miền đông của bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
Suốt thời gian đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã vân du khắp vùng đồng bằng của thung lũng sông Hằng (Ganga valley). Vào năm 543 trước Công nguyên, trong một đêm trăng tròn của tháng Magh (tháng 4), Đức Thế Tôn đã tuyên bố đến Tăng già tại làng Beluva gần Vaishali rặng trên luật vô thường của vạn vật, Ngài sẽ sớm xả bỏ sắc thân và chấm dứt cuộc sống trên trái đất này.
Từ Vaishali Đức Thế Tôn đã đi đến Pava, nơi đây người thợ rèn Cunda đã mời Đức Phật một bữa ăn. Ngài thọ dụng thực phẩm và Đức Phật nhận ra rằng thực phẩm có vấn đề rồi bảo Cunda nên đổ thức ăn đó đi để mà người khác sẽ không bị bệnh vì nó. Cunda cảm thấy hối hận và đau buồn khi nhận ra rằng sự cúng dường của ông khiến cho Đức Phật bị bệnh. Nhưng Đức Phật đã an ủi ông ấy và nói rằng người nào mà cúng dường cho Đức Thế Tôn bữa ăn cuối cùng sẽ đạt được công đức vô lượng.
Kushinagar và những di tích của nó đã được ghi lại trong ghi chép của hai nhà tu hành Pháp Hiền và Huyền Trang. Trải qua nhiều cuộc bể dâu, toàn bộ những phế tích của Kushinagar đã chìm trong quên lãng cho đến tận giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học người Anh là Alexander Cunningham đưa ra những lập luận về nơi Đức Phật nhập diệt dựa trên các khảo cứu của mình. Sau những khám phá của Cunningham, khu vực này được khai quật rộng rãi bởi Carlleyle vào năm 1876 và Viện Khảo cổ Ấn Độ (ASI) vào những năm 1904-1912.
Công trình kiến trúc có tầm quan trọng nhất ở Kushinagar là chùa Niết Bàn và ngôi bảo tháp diễn ra lễ Trà Tỳ (hỏa táng) kim thân của Người. Hiện nay xung quanh khu vực tháp Niết Bàn có nhiều chùa và tháp được xây dựng. như chùa Srilanka, chùa Nhật Bản, chùa Tây Tạng. Chùa cổ nhất tại Kushinagar là chùa Miến điện Chandramani kế đến là chùa Trung Quốc với tượng Phật bằng đá cẩm thạch. Ngoài ra còn có trung tâm thiền của Srilanka, Nhật Bản và bảo tàng khảo cổ học của Kushinagar.
(Thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn)